Còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở Pác Nặm.
Trong thời gian qua các cấp ngành, địa phương ở Pác Nặm đã có nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Mặc dù vậy, do tác động của nhiều yếu tố nên công tác này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn thách thức.
Page Content
Xã Nhạn Môn là một trong những địa phương ở huyện Pác Nặm còn khá nhiều diện tích rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý hiếm và động vật hoang dã. Chính vì vậy đây luôn là điểm nóng về khai thác, buôn bán vận chuyển trái phép lâm sản và động vật hoang dã. Hàng năm các vụ vi phạm luật quản lý bảo vệ rừng ở địa phương này luôn chiếm hơn một nửa số vụ của toàn huyện Pác Nặm. Mặc dù ngành chức năng và chính quyền xã đã vào cuộc rất quyết liệt, nhưng do các diện tích rừng nguyên sinh nằm cách xa trung tâm, lực lượng tuần tra kiểm soát mỏng, đặc biệt là hầu hết các diện tích rừng này nằm ở khu vực giáp ranh với tỉnh Cao Bằng nên gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ.

Pác Nặm vẫn còn khá nhiều loại gỗ quý hiếm.
Theo báo cái của lực lượng chức năng huyện Pác Nặm thì trong tổng số 28 vụ vi phạm luật QLBV&PTR được phát hiện trong năm 2015 vừa qua thì vẫn tập trung chủ yếu ở những khu vực giáp ranh với tỉnh Cao Bằng và Tuyên Quang và ở các thôn bản vùng cao nơi mà đại đa số người dân vẫn sống dựa vào nguồn tài nguyên vốn có từ rừng. Chính vì vậy, thực hiện chỉ thị số 08 của Tỉnh ủy Bắc Kạn và các văn bản chỉ đạo của các cấp, lực lượng kiểm lâm huyện đã xác định để từng bước giảm thiểu tình trạng khai thác lâm sản trái phép thì ngoài vấn đề tuần tra kiểm soát, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ và phát triển rừng tới đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn là hết sức cần thiết.

Tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ rừng.
Mặt khác, việc thực hiện quy chế, phương án phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng giữa các địa phương giáp ranhh theo quy chế phối hợp vẫn còn nhiều hạn chế như: còn nặng tính sự vụ, việc phối hợp tuần tra chưa được thường xuyên; đời sống của người dân sống gần rừng phần nhiều phụ thuộc vào việc phát rừng làm rẫy, khai thác lâm sản; cán bộ quản lý, bảo vệ rừng của các xã giáp ranh chủ yếu là kiêm nhiệm năng lực cũng hạn chế…Đặc biệt, trong thời gian qua các tang vật của các vụ vi phạm sau khi được bán đấu giá xung công quỹ nhà nước đều không được trích lại một phần nào cho lực lượng kiểm lâm. Quá trình thuê nhân công, phương tiện để vận chuyển tang vật về đơn vị đều do lực lượng kiểm lâm thực hiện tho chức trách nhiệm vụ, thâm chí là tự bỏ tiền túi cá nhân để làm. Chính vì vậy đã gây ra nhiều khó khăn cho cơ sở.
Trong thời gian tới, để công tác QLBV&PTR trên địa bàn được ổn định và giữ vững thì ngoài nỗ lực của lực lượng Kiểm lâm cũng rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp ngành, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng liên quan. Đồng thời cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh lại các quy chế phối hợp với các tỉnh cho phù hợp với tình hình mới; thường xuyên phối hợp kiểm tra, kiểm soát tình hình xâm hại tài nguyên rừng vùng giáp ranh; lập danh sách những đối tượng đầu nậu khai thác, mua bán, chế biến lâm sản trái phép để xử lý; thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng tới mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn ./.
Theo pacnam.backan.gov.vn