Du lịch các khu bảo tồn thiên nhiên từ lâu đã là một chiến lược trong phát triển du lịch của nước ta. Phát triển công nghiệp du lịch gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao tại nhiều khu bảo tồn. Đối với Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc tiềm năng ấy là rất rõ nét, cần được phát huy.
Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc được thành lập theo Quyết định số 342/QĐ-UB ngày 17/3/2004 của UBND tỉnh Bắc Kạn với diện tích 1.788 ha, nằm trên địa bàn các xã Đồng Lạc, Xuân Lạc và Bản Thi. Trong khu vực có khoảng 373 loài động vật, trong đó có 20 loài quý hiếm; hệ thực vật khá phong phú gồm 515 loài thực vật bậc cao, trong đó có 30 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Có những loài tưởng như đã tuyệt chủng trong vòng 25 năm qua như vạc hoa lại được phát hiện xuất hiện tại khu bảo tồn này.
Chỉ tính riêng sự phong phú của hệ sinh học trong khu vực cũng đã xứng đáng là một tiềm năng du lịch rất to lớn. Bên cạnh đó, nếu để gắn các tua du lịch thì trong khu bảo tồn cũng có những điểm đến hết sức thú vị. Hiện tại, trong khu vực có quần thể du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử gồm hệ thống đường khai thác khoáng sản có lịch sử hàng trăm năm tuổi do người Pháp xây dựng từ trước, khu nhà ở của người Pháp, khu giàn cáp treo vận chuyển quặng từ đỉnh núi xuống… vẫn còn được giữ khá nguyên trạng. Đây là minh chứng cho một thời kỳ lịch sử gắn với mỏ chì kẽm lớn nhất Việt Nam và thế hệ các công nhân thời Pháp thuộc. Đối với thực vật là điểm du lịch thung lũng giữa rừng nghiến nguyên sinh tại khu vực Lũng Trang, Lũng Lỳ… Song song với đó là núi Tam Sao với quần thể rừng nghiến bao bọc. Bên cạnh đó là điểm thác Nà Dạ và Hang Nghiến thuộc xã Xuân Lạc. Theo hướng du lịch trải nghiệm có thể gắn với các thôn vùng cao của đồng bào Mông, Dao và Tày. Chưa có tài liệu thống kê cụ thể nhưng theo ước đoán của ngành Kiểm lâm thì hiện tại khu vực còn nhiều gỗ nghiến nhất, loài thực vật quý hiếm của nước ta, chính là tại Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc. Việc có thể tận mắt nhìn và sờ vào những gốc nghiến hàng trăm năm tuổi là điều không phải ai cũng có cơ hội. Do đó đây là một hướng du lịch gắn với bảo vệ hết sức tiềm năng.
Trên thực tế trong cả nước, hầu hết các khu bảo tồn thiên nhiên hay vườn quốc gia đều phát triển rất mạnh loại hình du lịch này. Các vườn quốc gia như Nam Cát Tiên, Ba Vì, Bạch Mã, Phong Nha Kẻ Bàng… đều mang lại hiệu quả kinh tế cao từ kinh doanh du lịch. Khách đến du lịch nhận thức rõ vai trò của bảo vệ đa dạng sinh học khi được chứng kiến sự phong phú của tự nhiên còn người dân trong vùng lõi hưởng lợi từ làm du lịch nên hạn chế phá rừng. Cách thức triển khai cũng dựa hoàn toàn vào những gì tự nhiên ban tặng. Ví dụ như Vườn Quốc gia Bạch Mã có các điểm du lịch sinh thái tới Hồ Truồi; đường mòn rừng Chò đen; đường mòn Trĩ Sao; đường mòn Đỗ Quyên… Vườn Quốc gia Ba Vì có các tuyến thăm cây bách nghìn năm; vườn Xương Rồng- động Ngọc Hoa; khám phá dấu tích thời Pháp - nhà tù chính trị; rừng bách xanh cổ thụ; động Ngọc Hoa - suối Hương. Vườn Quốc gia Tam Đảo có tuyến thăm thác bạc; rừng hoa đỗ quyên… Ngay tại tỉnh ta thì Vườn Quốc gia Ba Bể cũng chính là điểm đến chủ yếu của khách du lịch tới Bắc Kạn. So sánh về lợi thế với các khu bảo tồn trong cả nước thì Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, giáp với Vườn Quốc gia Ba Bể hội đủ tiềm năng để phát triển du lịch.
Theo đồng chí Đinh Tiến Toàn- Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn), bảo vệ đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn là nhiệm vụ quan trọng nhưng bảo vệ mà không phát huy được sự đa dạng quý báu ấy thì lại không phù hợp với thực tiễn phát triển. Đó là lý do mà các khu bảo tồn, vườn quốc gia trên cả nước luôn coi trọng việc phát triển du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái… trong hoạt động quản lý của mình. Phát triển du lịch mang lại nhiều hiệu quả mà trước hết là về kinh tế, sau đó là nâng cao nhận thức của nhân dân, phục vụ nghiên cứu khoa học, mang lợi tới cho đồng bào sống trong vùng lõi…
Đánh giá cao tiềm năng này, nên ngay từ khi triển khai xây dựng quy hoạch phát triển khu bảo tồn, Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn đã chú trọng tới quy hoạch phát triển du lịch. Qua thống kê cho thấy, có nhiều tuyến đường có thể xây dựng, cải tạo để hình thành đường du lịch. Cụ thể, đường từ Lũng Trang đến Nà Dạ dài hơn 8km; đường từ Lũng Trang đến đỉnh Tam Sao dài hơn 3km; đường từ ngã ba Bình Trai đến Lũng Trang dài hơn 7km và hệ thống đường do người Pháp xây dựng từ ngã ba Bình Trai đến đầu cáp dài hơn 2km.
Trên cơ sở những tiềm năng đó có thể phát triển các loại hình du lịch xem thú rừng vào ban đêm; tham quan thác Nà Dạ, leo núi; tìm hiểu văn hóa lịch sử; thám hiểm, mạo hiểm và dã ngoại cắm trại nghỉ qua đêm. Trong quy hoạch xây dựng hạ tầng khu bảo tồn cũng đã chú trọng tới đầu tư các công trình bảo vệ rừng; hệ thống thông tin liên lạc; trụ sở khu bảo tồn và hướng tới xây dựng trung tâm cứu hộ động vật. Những cơ sở này bên cạnh nhiệm vụ chính phục vụ quản lý bảo vệ rừng sẽ được tận dụng dành cho phát triển du lịch.
Hiện tại, Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn đã hoàn thành dự thảo quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng bền vững Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến và trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt quy hoạch trong năm 2013. Khi đó, với sự tham gia của ngành chuyên môn về du lịch là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì chắc chắn việc đánh giá, định hướng phát triển du lịch tại khu sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn. Nếu được phê duyệt thì tiềm năng du lịch tại đây sẽ được đánh thức và khi đã có khách du lịch, người dân đã được hưởng lợi từ du lịch thì chắc chắn nạn phá rừng cũng sẽ giảm đi./.