Hội thảo điều tra, thống kê và đánh giá đa dạng sinh học của tỉnh Bắc Kạn, nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
Ngày 19-20/6/2015 Chi cục Bảo vệ môi trường Bắc Kạn phối hợp với Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Miền núi thuộc Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức Hội thảo điều tra, thống kê và đánh giá đa dạng sinh học của tỉnh Bắc Kạn, nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học.
Page Content
Tham dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Ngô Văn Viện – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Đại diện Trung tâm Môi trường và Tài nguyên miền núi thuộc Đại học Nông lâm Thái Nguyên; Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ; Chi cục Kiểm Lâm Bắc Kạn, Chi cục Bảo vệ thực vật; Chi cục Bảo vệ Môi trường;Vườn Quốc gia Ba Bể; Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc; Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ; phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố.
Để đánh giá chính xác hiện trạng đa dạng sinh học toàn tỉnh Bắc Kạn, đặc điểm phân bố động, thực vật và mức độ, nguyên nhân suy giảm đa dạng sinh học, từ đó đề xuất một số giải pháp kinh tế - kỹ thuật – môi trường và chính sách để nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên toàn tỉnh. Trong 2 năm 2014 và 2015 Trung tâm Môi trường và Tài nguyên miền núi Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã nghiên cứu đề tài “Điều tra, thống kê và đánh giá đa dạng sinh học của tỉnh Bắc Kạn, nghiên cứu để xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học”

Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe đại diện Trung tâm Môi trường và Tài nguyên miền núi báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện trong quá trình nghiên cứu. Trong thời gian thực hiện từ tháng 4/2014 đến tháng 6/2015 kết quả nghiên cứu cho thấy đến năm 2015 tại Bắc Kạn có 1792 loài thực vật thuộc 723 chi, 189 họ, 70 bộ, 12 lớp và 6 ngành thực vật bậc cao có mạch trong đó 144 loài có tên trong các thang phân loại quý hiếm có nguy cơ đe dọa; 96 loài có tên trong Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế(IUCN) năm 2013; 52 loài có tên trong Sách đỏ việt Nam năm 2007. Xác định được 84 loài thú thuộc 25 họ của 8 bộ và sinh cảnh sống của các loài; trong đó có 19 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam( 2 loài ở bậc rất nguy cấp; 7 loài ở bậc nguy cấp). Khu hệ Chim cũng khá đa dạng với 314 loài chim thuộc 39 họ của 15 bộ. Xác định khu hệ Lưỡng cư – Bò sát có 15 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam bậc nguy cấp trở lên; 04 loài trong danh lục đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế ở bậc nguy cấp trong tổng số 69 loài thuộc 17 họ của 4 bộ. Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 1091 loài côn trùng (có 14 côn trùng quý hiếm); 181 loài thực vật nổi, 61 loài và nhóm loài thuộc 14 họ, 5 bộ động vật nổi, 44 loài thuộc 12 họ, 3 bộ động vật đáy và 108 loài cá. Ngoài ra cũng ghi nhận được 57 loài động thực vật ngoại lai. Trong thời gian nghiên cứu đề tài, đoàn nghiên cứu cũng xác định được nguyên nhân gây tổn thất đa dạng sinh học và suy giảm đa dạng sinh học ở Bắc Kạn từ đó đề xuất giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; đổng thời đoàn nghiên cứu cũng xây dựng được 5 loại bản đồ chuyên đề và xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý Đa dạng sinh học tỉnh Bắc Kạn.
Hội thảo cũng đã được nghe nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu về giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học trong tỉnh, các đại biểu cùng nhau phân tích các nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học; những hạn chế, thách thức và thuận lợi trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học từ đó có kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý và bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh trước sự biến đổi khí hậu. Ngoài ra cần thực hiện tốt quản lý tài nguyên đa dạng sinh học trong toàn tỉnh, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian tới; đồng thời xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp với tình hình từng địa phương, gắn liền với phát triển kinh tế về bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.