Tỉnh Bắc Kạn có hơn 29.700ha rừng đặc dụng tại 3 khu là Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (huyện Na Rì), Khu bảo tồn Loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn), Vườn Quốc gia Ba Bể với nhiều loại gỗ quý và hệ thống thảm thực vật đa dạng. Xuất phát từ những giá trị đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng thời gian qua luôn được ngành kiểm lâm quan tâm, chú trọng.
Mới đây, chúng tôi đã có dịp theo chân cán bộ kiểm lâm tỉnh tới Khu bảo tồn Loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn), đây là khu có diện tích rừng đặc dụng lên đến gần 4.000ha giáp ranh với các huyện Na Hang, Chiêm Hóa ( tỉnh Tuyên Quang). Vượt qua đoạn đường gấp khúc, gập ghềnh ổ voi gà của đèo Phja Khao (xã Bản Thi), khu bảo tồn hiện ra với những tầng rừng hoang sơ, xanh thẳm. Lối vào rừng chỉ là con đường mòn, đủ cho người đi bộ, nhiều đoạn mấp mô lởm chởm đá tai mèo. Tuy vậy hàng tuần cán bộ kiểm lâm địa bàn không quản ngại khó khăn, thường xuyên tuần rừng để kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc xâm hại đến rừng, trong 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn không có vụ phát phá rừng trái phép nào xảy ra.
Ông Lường Quốc Hải, Trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn Loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc cho biết: “Từ năm 2022, đơn vị đã xây dựng thành công hệ thống cơ sở dữ liệu thực vật rừng thân gỗ thuộc loài nguy cấp, quý hiếm bằng cách đánh biển tên cây theo số thứ tự để thuận lợi cho việc theo dõi, quản lý. Tổ chức ký cam kết cho 801 hộ dân của 13 thôn không vi phạm Luật Lâm nghiệp, đến nay, đơn vị đã đóng biển số được trên 2.800 cây trong khu vực và sẽ tiếp tục triển khai công tác này trong thời gian tới.”
Hiện nay, diện tích rừng đặc dụng toàn tỉnh có hơn 29.700ha, trong đó Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ chiếm trên 15.700ha, Vườn Quốc gia Ba Bể hơn 10.000ha, Khu Bảo tồn Loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc gần 4.000ha. Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp về công tác, quản lý bảo vệ rừng, trong đó có rừng đặc dụng. Lực lượng kiểm lâm tại các khu bảo tồn đã tích cực bám rừng, chủ động nắm bắt tình hình, tổ chức truy quyét, cập nhật những diễn biến liên quan đến các hoạt động phát phá rừng thông qua các hình thức tuyên truyền, tuần tra, thực hiện chính sách sinh kế cho người dân tại vùng lõi. Nhờ thực hiện tốt các giải pháp, nhiều vụ vi phạm rừng đã được phát hiện và xử lý, năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đến rừng đặc dụng, giảm 02 vụ so với cùng kỳ năm trước, riêng 3 tháng đầu năm 2023 xảy ra 2 vụ (tại Vườn Quốc gia Ba Bể), trong đó đã khởi tố 01 vụ.
Mặc dù có những chuyển biến trong công tác quản lý rừng đặc dụng nhưng với diện tích lớn tập trung nhiều loại gỗ quý như Nghiến, Trai, Đinh, nguồn động vật, thực vật phong phú, giá trị kinh tế rừng lớn nên nguy cơ về phát phá rừng trái phép vẫn có thể xảy ra. Hiện lực lượng kiểm lâm tại các khu bảo tồn mỏng, có 103 viên chức, công chức, người lao động của 21 trạm thực hiện nhiệm vụ, so với diện tích rừng hiện có là còn thiếu.
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, thời gian tới ngành kiểm lâm tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 15/5/2017 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các khu rừng đặc dụng trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của các khu rừng đặc dụng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái lực. Triển khai thực hiện kịp thời các chính sách sinh kế phát triển rừng đặc dụng. Duy trì quân số trực 24/24 giờ, tăng cường tuần tra, kiểm soát, mật phục trên toàn diện địa bàn. Phát huy hòm thư tố giác, tổ tuần tra rừng cộng đồng tại các thôn bản, nhất là các địa bàn là điểm nóng về khai thác, cất giấu, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Sự tham gia phối hợp của các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền sở tại để từng bước ngăn chặt và đầy lùi các hoạt động xâm hại đến rừng./.