Loading the player...
Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
212 người đã bình chọn
0 người đang online

Lợi ích từ trồng rừng gỗ lớn

Đăng ngày 28 - 06 - 2018
100%

Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình, tạo công ăn việc làm, giúp xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc miền núi, mà còn thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển bền vững; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái, chống biến đổi khí hậu toàn cầu; đặc biệt, khi mùa mưa đến sẽ làm giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống lũ lụt, hạn hán. Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa phát triển rộng rãi tương xứng với tiềm năng sẵn có tại các địa phương.

 

 

Ảnh: Người dân chăm sóc rừng trồng gỗ lớn

Theo Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, đến năm 2020 diện tích vùng trồng rừng gỗ lớn trên cả nước vào khoảng 1,2 triệu ha cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ. Để đạt được mục tiêu này, việc hỗ trợ vốn vay cho người trồng rừng, cũng như đưa giống mới, có năng suất cao vào trồng rừng, áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân, chăm sóc rừng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng cho người dân cần được tiến hành đồng bộ.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang, từ khi thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn (Keo lai, Keo tai tượng) và chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn” thuộc dự án Khuyến nông Trung ương, trong giai đoạn từ 2014 - 2016 tỉnh đã trồng được 120 ha rừng thâm canh gỗ lớn, với 70 hộ gia đình tham gia; chuyển hóa 55ha rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn với 38 hộ gia đình tham gia. Cả hai mô hình trên đều được thực hiện trên địa bàn các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và huyện Yên Thế.

Thời điểm khi bắt đầu triển khai, rất nhiều người dân còn nghi ngờ về tính khả thi của dự án, bởi theo quan điểm của các chủ rừng phát triển gỗ nhỏ (chu kỳ từ 5 - 7 năm) có nguồn thu nhanh hơn, sẽ sớm quay vòng đầu tư tiếp. Hơn nữa, thu hoạch từ rừng chồi cũng được người trồng rừng cho là hiệu quả hơn so với phát triển rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, thông qua 09 lớp tập huấn và 03 lớp hội thảo đầu bờ, nhờ tích cực tuyên truyền vận động, cùng với sự hỗ trợ ban đầu của dự án về cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc,... người dân đã dần hiểu và thấy được lợi ích, nên đã đồng thuận tích cực tham gia.

Sau 03 năm thực hiện, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, trữ lượng rừng, lượng tăng trưởng bình quân của rừng sau chuyển hóa tăng cao. Cụ thể, rừng trồng mô hình thâm canh gỗ lớn và so sánh đối chứng cho thấy cây trồng đảm bảo tỷ lệ sống trên 86% so với mật độ trồng ban đầu, chiều cao vút ngọn bình quân đạt 5,6 m, đường kính gốc bình quân đạt 6,6 cm (rừng trồng thông thường, cùng loài cây và trong cùng điều kiện lập địa là 5,4 cm). Đối với mô hình chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn sau khi có sự điều chỉnh về mật cây trồng xuống còn 900 cây/ha, tạo không gian dinh dưỡng, đồng thời có tác động bón phân, nên đã có sự khác biệt tăng trưởng về chiều cao và đường kính, trữ lượng gỗ bình quân đạt 135,36 m3/ha (rừng trồng không chuyển hóa chỉ đạt 117,8 m3/ha cùng loài cây và trong cùng điều kiện lập địa).

Tới thăm mô hình trồng rừng gỗ lớn của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Điều, tại Bản Soan, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, sau khi dẫn chúng tôi thăm mô hình trồng rừng gỗ lớn của gia đình, ông bày tỏ: “Tháng 3/ 2015, gia đình tôi tham gia dự án trồng rừng thâm canh gỗ lớn với diện tích 10 ha Keo tai tượng, được dự án Khuyến nông Trung ương hỗ trợ về giống cây trồng, phân bón NPK, kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng theo từng giai đoạn thì hiện nay rừng đang sinh trưởng rất tốt. Chiều cao vút ngọn của cây trung bình khoảng 7,0 m, đường kính gốc bình quân đạt 6,8 cm, gia đình rất phấn khởi với mô hình này. Tôi thường xuyên tuyên tuyền tới các chủ rừng tham gia trồng rừng gỗ lớn, cũng như chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao, mà còn góp phần làm giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống lũ lụt, hạn hán tại địa phương”.

Theo tính toán của các chuyên gia về lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp, với 01 ha rừng trồng loài Keo, sau khoảng 06 năm trồng rồi khai thác sẽ cho khoảng 90 m3 gỗ tròn. Ngược lại, nếu không khai thác gỗ non, để lại chăm sóc thêm 5 - 6 năm nữa, trở thành rừng gỗ lớn mới khai thác, khi đó trữ lượng gỗ sẽ tăng gấp đôi, giá bán cũng cao gấp 2 - 3 lần, tùy kích thước gỗ khi khai thác. Cùng với đó, người trồng rừng gỗ nhỏ phải 2 lần đầu tư nhằm tái trồng rừng lứa thứ 2 với chi phí trung bình khoảng 60 triệu đồng/ha, thì rừng gỗ lớn chỉ phải đầu tư 1 lần với tổng chi phí trung bình khoảng 40 triệu đồng/ha, chu kỳ trồng rừng gỗ lớn tuy gấp đôi, nhưng hiệu quả kinh tế lại cao gấp 2 - 3 lần rừng gỗ nhỏ.

Ông Hoàng Văn Chúc, Giám đốc - Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế cho biết: “Qua theo dõi thời gian qua đã khẳng định, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần so với trồng rừng gỗ nhỏ, tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Chẳng hạn, đối với loài cây trồng chủ yếu hiện nay là cây keo, đến năm thứ 6 hầu hết cây rừng là gỗ nhỏ, nếu khai thác, chỉ có thể bán làm dăm gỗ hoặc gỗ trụ mỏ, giá trị đạt khoảng 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đạt từ 12 - 15 triệu đồng/ha/năm; thế nhưng, khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10 - 14 năm trồng mới khai thác, sản lượng sẽ đạt từ 200 - 240 m3/ha và hầu hết các cây gỗ đạt đường kính trên 18 cm, chiếm 50% trữ lượng khoảng 100 - 120 m3/ha. Khi đó, gỗ sẽ được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ thương phẩm với giá từ 1,8 - 2,0 triệu đồng/m3, tức là khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân đạt từ 22 - 25 triệu/ha/năm; cao gấp hơn 1,5 lần giá trị rừng gỗ nhỏ. Mặt khác, việc trồng rừng gỗ nhỏ cũng đòi hỏi phải tái đầu tư chi phí giống, công trồng, chăm sóc ban đầu và có nguy cơ cháy rừng cao hơn so với rừng gỗ lớn”.

 

Ảnh: Mô hình trồng rừng gỗ lớn của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế, Bắc Giang

Thực tiễn cho thấy lợi ích kinh tế và môi trường của rừng gỗ lớn cao, nhưng hiện nay đa số các chủ rừng lại lựa chọn mô hình trồng rừng gỗ nhỏ truyền thống. Nguyên nhân chủ yếu do đa số người trồng rừng có diện tích nhỏ, phần lớn có thu nhập thấp nên không có điều kiện tài chính để theo chu kỳ sau 10 - 14 năm trồng gỗ lớn.

 

Ảnh: cán bộ Kiểm lâm hướng dẫn, kiểm tra mô hình trồng rừng gỗ lớn

Ông Nguyễn Quốc Dự, Phó Chi cục trưởng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang cho biết: “Trồng rừng gỗ lớn đang là xu hướng trên thế giới và cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp hiện nay. Để phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn có lợi ích kép này, Chi cục Kiểm lâm sẽ chỉ đạo các đơn vị cơ sở tiếp tục tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, môi trường, cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh gỗ lớn nhằm phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, tương xứng với tiềm năng sẵn có tại địa phương”.

Tin mới nhất

test tin bài(21/12/2020 9:51 CH)

Đề xuất về xử lý động vật rừng là tang vật do nhân dân tự nguyện giao nộp Nhà nước(28/05/2019 9:31 CH)

Chuyển biến tích cực trong triển khai đóng cửa rừng tự nhiên(18/03/2019 3:12 CH)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Donald Trump(28/02/2019 4:50 CH)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước(24/10/2018 3:05 CH)